Chuyện Nông dân

[ Hiểu về gạo 1 ] Gạo Nhà Care canh tác ra sao ?

[ Hiểu về gạo 1 ] Gạo Nhà Care canh tác ra sao ?
Nền nông nghiệp lúa nước đã gắn bó qua bao đời nay với con người Việt Nam, gắn bó với những người nông dân chân lấm tay bùn, những người đã làm việc rất chăm chỉ, đã đổ mồ hôi để mang đến những hạt gạo thơm ngon cho đời. Để BĐH hiểu hơn về gạo Nhà Care xin chia sẻ câu chuyện của nông dân nhà Care.

LÚA MÙA QUÊ TÔI
Khác hẳn với những vùng đất phù sa nước ngọt quanh năm, quê hương tôi là vùng đất phèn, mặn, đi ruộng về là sẽ có được những móng chân "lóng lánh ánh vàng". Quê hương tôi không nghèo khó lắm vì được thiên nhiên ưu đãi với 2 mùa mưa nắng (6 tháng nắng & 6 tháng mưa). Mùa nắng thì người dân nuôi tôm sú, mùa mưa thì trồng lúa kết hợp thả xen vài thiên tôm càng xanh cho cây lúa "có bạn có bè"; như vậy lại thêm "bạn" cho mấy chị cua biển đang rủ nhau làm gạch để chuẩn bị cho rằm Tháng 8. Như vậy, cả năm trời vuông không được nghỉ ngơi. Ấy vậy mà lại tốt cho người nông dân. Lúa nhờ chất thải của tôm mà lớn, tôm lại lớn nhờ ăn lúa vãi lại trên ruộng mà sống, người nông dân không phải tốn nhiều chi phí để nuôi sống thứ mà mình canh tác. Ngoài ra, rạ mục rữa ra kết hợp với lớp phù sa của sông từ mùa mưa trước để lại mà tạo thành một lớp đất vô cùng màu mỡ để rồi cây lúa được phát triển "Tốt mù trời" trong suốt gần 6 tháng.

Chắc chắn các bạn sẽ thầm nghĩ người nông dân vùng này sao "khỏe" thế? Không bỏ tiền (chi phí) gì cả mà cuối vụ lại được thu vào. Lúc này tôi lại thích câu nói người quê hay nói: "Thấy dzậy chứ hông phải dzậy đâu". Để có được một sân lúa vàng óng dưới nắng, người dân không tốn tiền nhưng tốn công sức rất nhiều. Từ khi chuẩn bị gieo mạ phải be bờ (không cho cá vào bới đất), nhổ cỏ (lúc nào có cỏ thì phải nhổ), xả nước ra vào để rửa phèn, rửa mặn cho đến khi lúa trổ. Công việc nghe thật đơn giản nhưng thật không đơn giản chút nào. Tôi về hay hỏi mẹ: "Sao lại không mướn người ta cho đỡ cực?". Mẹ trả lại một tràng: "Có ai đâu mà mướn? Người siêng thì đi Long Khánh làm rồi, người làm biếng thì ở nhà, mà làm toàn đòi trả tiền nhiều, làm ngày mới làm, mà 150 nghàn đồng/ ngày chứ có ít gì? Còn 2 bữa cơm, chưa kể nhậu nhẹt nữa đó. Mướn hết thôi tao nghỉ cấy cho rồi. Mấy việc làm không nỗi mới mướn thôi". Nghe xong chỉ biết kêu mẹ năm sau nghỉ làm cho khỏe...
Lại kể đến khâu nhổ mạ, cấy lúa, rồi gặt lúa lại càng khổ tâm hơn (vì nhân công ít nên người ta hay "làm giá"). Có người hỏi sao không để máy móc làm? Nhưng làm sao máy móc bò xuống được cái vuông bùn sình, 4 bên nước sâu gần 1 mét?
Đến công đoạn cuối cùng là phơi lúa và cho vào "bồ" (dùng để trữ lúa), người nông dân bắt buộc phải tự làm mới có được chút lời bù cho công bỏ ra. Trời thương thì nắng tốt, không thương thì đổ mưa, buồn buồn lại tắt nắng. Người nông dân cực nhọc vậy đấy, vậy mà năm nào đến mùa thấy người khác làm thì lại ham, rồi nhà nhà đều làm. Chắc do cái máu nhà nông mà không bỏ được.
Việc trồng lúa ở đây hầu hết nhờ vào Ông trời, nhờ vào sự ưu đãi của thiên nhiên nên năng suất lúa không cao, chỉ khoảng 1/2 năng suất lúa trồng ở các vùng chuyên canh. Tuy nhiên, giá lúa lại khá cao nên cũng an ủi được người nông dân phần nào. Thỉnh thoảng, có một vài vuông bị sâu rầy thì lại dùng phương pháp tự nhiên cho nước vào thật đầy cho sâu, bọ nổi lên rồi xả nước ra; nhà nào nuôi vịt thì thả vào cho vịt nó xơi. Có người thắc mắc: "Lúa không phun thuốc sao sống được? Sâu ăn hết còn gì?". Tôi giật mình, dường như... trồng lúa phải phun thuốc đã được mặc định sẵn trong suy nghĩ của rất nhiều người rồi? Nhưng nếu biết được cách trồng lúa quê tôi thì họ sẽ nghĩ khác. Thật vậy, mỗi năm chỉ trồng 1 vụ lúa, vô hình chung đã làm khó khăn cho sự phát triển của sâu rầy, với 6 tháng đất rẫy (để trồng lúa) bỏ không làm gián đoạn điều kiện sống của sâu và các mầm bệnh; hơn nữa các giống lúa 6 tháng cổ truyền với thân lúa dày và cứng thường có tính kháng rầy cao hơn hẳn giống lúa ba tháng hiện nay vốn là miếng mồi ngon cho sâu bệnh. Điều này làm giảm thiểu tối đa nguy cơ bị bệnh cho cây lúa. Do đó, nông dân không phải sử dụng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào. "Tự nhiên" là vậy, nên hạt gạo rất ngọt và giàu chất dinh dưỡng, ăn không cũng cảm thấy ngon. Nếu ai một lần ăn qua sẽ nhận thấy được điều mà tôi nói và nhìn ra công sức của người nông dân đã bỏ ra thật là xứng đáng.

Từ nhỏ, tôi được lớn lên từ hạt cơm ngon của ba mẹ, lại được sống trong môi trường trong lành, xanh mát; đến mùa gió chướng (gió Đông Nam) lại được ngửi cái mùi thơm nhè nhẹ, thoang thoảng của lúa trổ,...; lại cái tuổi thơ lộn mèo, xoay ổ gà, trốn tìm,... trên đống rơm mới không thấy chán nữa! Thật hạnh phúc phải không các bạn? Càng nhớ về tuổi thơ tôi lại càng thấy yêu quê hương của mình nhiều hơn. Ắc hẳn những ai có kỷ niệm tuổi thơ giống như tôi cũng sẽ không khỏi buâng khuâng và có chút chạnh lòng xa xứ khi mùa lúa đến...
Chị Vén - Canh tác tại Thạnh Phú - Bến Tre

Đang xem: [ Hiểu về gạo 1 ] Gạo Nhà Care canh tác ra sao ?

0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng