Bạn có biết rằng li cà phê chồn thơm phức bạn thưởng thức lại được sản xuất từ chính nỗi đau và sự tuyệt vọng của những con vật bé nhỏ?
Cà phê chồn
Cà phê chồn mang hương vị đặc trưng và là thức uống đắt nhất nhì thế giới.
Cà phê chồn là một loại cà phê đặc biệt và được xếp vào hàng thức uống đắt nhất thế giới. Hạt cà phê được lấy từ phân của những con chồn làm nguyên liệu thô để sản xuất. Loại cà phê này có nhiều ở Indonesia, chủ yếu ở các đảo Sumatra, Java và Sulawesi. Mỗi năm, Indonesia xuất ra khoảng 200kg cà phê phân chồn với giá trên 1.000 USD/kg (tương đương với hơn 22 triệu VNĐ).
Giá của loại thức uống này đắt đỏ như thế cũng bởi số lượng cà phê phân chồn lấy từ tự nhiên rất ít. Bên cạnh đó, các chú chồn khôn ngoan thường chọn những quả cà phê đỏ mọng ngon nhất ở những cây có quả chín đều để "thưởng thức". Cho nên, "sản phẩm" mà chồn cho ra đều được bảo đảm chất lượng và độ đồng đều gần như tuyệt đối.
Sự biến hóa kì diệu của những hạt cà phê trong dạ dày của các con chồn tạo nên hương vị đặc trưng, độc nhất vô nhị cho loại cà phê này. Diễn viên người Anh John Cleese đã bình luận rằng: "Nó vừa có vị bùi bùi của đất, lại ngai ngái như bị mốc, vừa dìu dịu, lại giống nước siro, đậm đà như mang âm hưởng rừng già và thoảng chút gì đó sô cô la".
Số lượng cà phê chồn lấy từ tự nhiên rất ít.
Các chú chồn thường chọn những quả cà phê đỏ mọng và chín đều nhất để "thưởng thức".
Quy trình sản xuất "man rợ"
Nhìn thấy lợi nhuận khủng từ mặt hàng này, nhiều doanh nhân bắt tay vào việc "nhân tạo hóa" cà phê chồn. Họ bắt bừa bãi những con chồn hương (hay còn gọi cầy hương) hoang dã và thông qua phương pháp nuôi nhân tạo để có được phân của chúng, từ đó sản xuất ra cà phê chồn.
Hằng ngày, chúng sẽ bị ép ăn các loại quả mọng, chẳng hạn quả việt quất, quả anh đào, mâm xôi...Những loại quả mọng này nhanh chóng được lên men trong dạ dày của chúng và làm giảm đi vị đắng của cà phê. Đồng thời, những hạt cà phê không thể tiêu hóa được sẽ bị thải ra ngoài. Hạt cà phê lấy ra từ phân chồn được mang đi làm sạch, sau đó chế biến thành loại cà phê cực kì đắt đỏ.
Ngày ngày chỉ ăn một thực đơn duy nhất là các loại quả, cơ thể những chú chồn tội nghiệp thiếu vitamin trầm trọng. Nghĩ thử xem, ngày nào cũng bị tống một đống thứ vào bụng chỉ để nhanh thải phân ra, dù có là món khoái khẩu của chúng thì cũng chẳng thể nào chịu đựng được.
Những chú chồn bị ép ăn quả mọng để nhanh lên men trong dạ dày và làm giảm đi vị đắng của hạt cà phê.
Ăn quá nhiều cà phê khiến cơ thể chúng bị thiếu vitamin trầm trọng.
Ánh mắt tội nghiệp của một chú chồn khi bị giam hãm và ép ăn liên tục.
Hạt cà phê lấy từ phân chồn mang đi làm sạch và chế biến thành thứ cà phê đắt đỏ.
Tương tự các loài động vật hoang dã khác, chồn có bản tính tự do và quen sống ở môi trường hoang dã. Chính vì thế, khi bị con người nhốt trong những chiếc lồng bé tí, ngột ngạt và bẩn thỉu, những con vật đáng thương này trở nên cáu kỉnh, bức bối và khủng hoảng tinh thần, thậm chí dẫn đến tuyệt thực.
Loại động vật ăn tạp về đêm này phải đối diện với nỗi kinh sợ và khủng bố tinh thần từng giây từng phút. Đau đớn hơn, không biết cách nào để giải tỏa, chúng trở nên cuồng loạn, không ngừng gặm nhấm tứ chi, đến lúc không thể chịu đựng nổi nữa, phát rồ và chết.
Mặc dù trực tiếp chứng kiến nỗi đau đớn, tuyệt vọng của những con vật bé nhỏ nhưng những thương nhân ác tâm kia vì lợi nhuận khủng mà vẫn nhắm mắt làm ngơ. Cách đối xử tàn nhẫn này chẳng khác nào bản án tù chung thân cho những con vật vô tội.
Không gian tù túng, ngột ngạt khiến loại động vật ăn tạp này trở nên rồ dại, rối loạn hành vi.
Chúng kêu gào thảm thiết cho đến kiệt quệ thể xác, bấn loạn tinh thần.
Trực tiếp chứng kiến nỗi khổ của những con vật tội nghiệp nhưng các thương nhân ác tâm kia vẫn nhắm mắt làm ngơ.
Đôi mắt ánh lên nỗi đau khổ, oán ức của một kẻ vô tội bị tuyên án tử hình.
Tiếng nói công bằng cho chồn hương
Loại cà phê được sản xuất theo phương pháp nhân tạo này được xem như "đứa em ruột" của cà phê chồn tự nhiên nhưng lại mang một hương vị kì là. Chuyên mục thực phẩm Tim Carman của tờ Washington Post đã có nhận xét rằng: “Nó có vị giống như Folgers Coffee, giống như bị hỏng, không có mùi vị của cuộc sống. Giống như bạn tắm và ngâm trong phân khủng long hóa đá. Tôi không thể uống hết nó”.
Rõ ràng, sản phẩm được làm ra từ máu, nước mắt, nỗi đau và sinh mạng của một giống loài thì làm sao có được mùi vị của cuộc sống?
Nhiều nơi trên thế giới đã bắt đầu "tẩy chay" cà phê chồn nhân tạo sau khi biết được số phận bi ai mà những chú chồn hương phải trải qua.
Thương gia Tony Wild là người đã đưa thương hiệu cà phê chồn vào phương Tây từ năm 1991. Tuy nhiên, khi chứng kiến cuộc sống tù ngục đầy đau đớn của loài động vật vô tội này, ông đã phát động chiến dịch ngừng tiêu thụ loại sản phẩm kia. Sau khi hiểu được số phận bi ai mà những con chồn hương gặp phải, một số nước phương Tây hiện nay cũng đã bắt đầu phong trào tẩy chay cà phê chồn.
(Ảnh: Internet)
Nguồn: Yan.vn