Mỹ phẩm giả tràn lan
Chiều 9/12, Chi cục Quản lý thị trường thành phố HCM đã tiến hành tiêu hủy 7 tấn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu… những sản phẩm này nhắm đến đối tượng sử dụng là phụ nữ.
Trong lộ hàng “khủng” bị tiêu hủy lần này có đa số là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng tiêu dùng. Có đến hơn 25.000 sản phẩm khác nhau, từ những loại không có nhãn mác được đóng trong các chai nhựa với đủ màu sắc được chỉ định làm sáng da, hết sẹo, cho đến những loại “cao cấp” nhập khẩu từ Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel...
Bên cạnh đó, nhiều loại sản phẩm dùng cho trẻ em trên vỏ chai chỉ in chữ “Baby oil”, không có bất kỳ thông tin về thành phần cũng như cách sử dụng. Trong đợt tiêu hủy này còn có 4,5 tấn các loại hóa chất dùng để điều chế mỹ phẩm, phân bón.
Sản phẩm dùng cho trẻ em được đóng chai chỉ dán nhãn mác in dòng chữ "Baby Oil".
Theo đại diện Phòng Nghiệp vụ Chi cục Quản lý thị trưởng TP.HCM, số hàng hóa bị tiêu hủy này là tang vật trong 108 vụ phạm pháp được đơn vị này phát hiện và để chuyên chở hết số hàng này, cơ quan chức năng phải huy động 4 xe tải.
Tại địa bàn TP. Hà Nội, trong những ngày đầu tháng 12/2015 cơ quan chức năng đã bắt giữ hai vụ phạm pháp liên quan đến hàng hóa không rõ nguồn gốc, trong đó có lượng lớn mỹ phẩm.
Cụ thể, vào ngày 2/12, Tổng cục Cảnh sát phối hợp với Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế vừa phát hiện hàng chục tấn bánh kẹo, nước uống, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… mà chủ hàng không xuất trình được đầy đủ hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ tại kho hàng trong khuôn viên nhà máy xe lửa Gia Lâm. Tất cả bao bì sản phẩm đều in chữ Hàn Quốc và không dán tem phụ bằng tiếng Việt theo quy định.
Hàng nghìn loại mỹ phẩm vi phạm bị cơ quan chức năng tiêu hủy.
Trước đó, ngày 1/12, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu (C74), Bộ Công an phối hợp với Công an Hà Nội và Chi Cục QLTT Hà Nội phát hiện gần 30 tấn hàng hóa không rõ nguồn gốc đang tập kết tại một kho hàng ở Quận Hoàng Mai.
Các mặt hàng chủ yếu bị phát hiện là hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... Theo C74, các chủ hàng đã có dấu hiệu in giả hóa đơn để hợp thức hóa nguồn gốc hòng “qua mặt” cơ quan quản lý để chuyển vào các tỉnh phía Nam tiêu thụ. Ước tính giá trị lô hàng này vào khoảng 10 tỷ đồng.
Thống kê từ Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu - hàng giả, trong 3 tháng (từ tháng 7-10/2015), cơ quan này đã phát hiện và xử lý 3.619 vụ vi phạm về mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.
Gần đây là vụ bắt giữ lượng lớn mỹ phẩm tại xưởng sản xuất mỹ phẩm Jenny tại TP.HCM. Khi kiểm tra xưởng sản xuất mỹ phẩm của nhãn hàng này trên đường Nguyễn Phúc Chu, Phường 15, Quận Tân Bình, cơ quan quản lý đã thu giữ hơn 500kg dung dịch dạng chất lỏng, gần 100kg chất bột, 500 chai sữa – kem tắm trắng và hơn 1 tấn nguyên liệu pha trộn, 1 tấn vỏ chai, bao bì và tem nhãn in chữ Hàn Quốc và tiếng Anh. Đại diện chủ hàng đã không xuất trình được bất cứ giấy tờ nào chứng minh nguồn gốc số hàng hóa này.
Hiểm họa khôn lường từ mỹ phẩm rẻ tiền
Trước “ma trận” mỹ phẩm như hiện nay, thật khó để người tiêu dùng có thể phân biệt được thật – giả. Nắm bắt tâm lý “ham rẻ” của chị em phụ nữ, nhiều loại mỹ phẩm giả, nhái thương hiệu được bày bán tràn lan.
Lưu Thị H. (sinh viên một trường đại học tại TP.HCM) là một nạn nhân của mỹ phẩm giả. Theo cô gái này, khoảng cuối tháng 11 vừa qua, trong lần lên mạng tìm mua mỹ phẩm, chị thấy thông tin quảng cáo về sản phẩm Lancome dùng sáng da, nhập khẩu từ Mỹ và đang giảm giá đến 70%.
Một nạn nhân bị dị ứng mỹ phẩm nổi mẩn đỏ khắp người.
Thấy công dụng tốt mà giá rẻ, chị H. mua về dùng thử. Sau vài ngày làn da chị H. được cải thiện thấy rõ. Thế nhưng chưa kịp tận hưởng thì trên da mặt của chị H. xuất hiện ửng đỏ, mụn nổi lên và cảm giác da mặt ngứa rát như hơ lửa. Đi bệnh viện khám, chị H. được các bác sĩ cho biết đã bị dị ứng với mỹ phẩm có chứa Corticoid.
Bên cạnh những loại không rõ nguồn gốc đang lưu hành “lén lút” trên thị trường, có không ít sản phẩm mỹ phẩm có thương hiệu nhưng vẫn chứa các chất như Corticoid, Clobetasol propionate, Acid Salicylic. Đây là những thành phần không được sử dụng trong mỹ phẩm.
Theo kết quả xét nghiệm mới công bố của Phân viện Pháp y Quốc gia tại TPHCM, cơ quan này đã phát hiện nhiều mẫu mỹ phẩm có chứa các thành phần gây hại nói trên. Qua kiểm tra các mẫu mỹ phẩm đang lưu hành trên thị trường được gửi đến, Phân viện Pháp y Quốc gia tại TPHCM xác định có nhiều mẫu chứa Clobetasol propionate.
Đó là hộp mỹ phẩm có in dòng chữ “Whitening cream - Sắc Ngọc Hương – Sheap placenta – kem nhau thai cừu” được sản xuất bởi Công ty Sắc Ngọc Hương có trụ sở tại quận 8, TP.HCM. Hộp in “Cream Q - 10 Sắc Ngọc Trai Khang - Thành phần thảo dược thiên nhiên” do Công ty Lê Hoàng Hà My tại huyện Củ Chi, TPHCM sản xuất. Và mẫu in dòng “Sắc Thể Ngọc Hoàn Khang - Thành phần đến từ thiên nhiên” của Công ty mỹ phẩm Thái Ngọc Nguyên trụ sở Quận Tân Phú, TP.HCM sản xuất.
Trong hộp mỹ phẩm có in chữ “Sắc Hoa Thiên – Giữ mãi tuổi xuân – Collagen – Tổ yến – Siêu trắng” được sản xuất bởi Công ty SX TM DV MP Gia Việt (trụ sở tại TP. Cần Thơ), qua xét nghiệm cho thấy có chứa Dexamethasone là dẫn xuất nhóm Corticoid.
Theo bà Kim Khánh - Chuyên gia tư vấn thẩm mỹ tại TP.HCM, khi dùng mỹ phẩm có chứa chất Corticoid, lúc đầu da sẽ đẹp lên một cách nhanh chóng nhưng sau một thời gian ngắn hoặc ngưng sử dụng thì sẽ bị hư da nghiêm trọng và rất khó chữa.
Dùng mỹ phẩm có chất Corticoid sẽ khiến da bị mỏng dần, các mao mạch bị giãn nở, gây ngứa ngáy và ửng đỏ. Chưa kể mụn và nám da sẽ xuất hiện nhiều, ngưng dùng sẽ khiến da khô sần, nhăn nheo thậm chí còn xuất hiện dấu hiệu kích ứng.
Chuyên gia này khuyến cáo người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ trước khi sử dụng loại mỹ phẩm nào bởi nếu không may dùng phải hàng giả thì hậu quả sẽ rất tai hại.
Nguồn: webtrtho