Theo thông tin tại hội thảo khoa học "Ung bướu quốc gia" lần thứ VII với chủ đề “Phòng chống ung thư ở phụ nữ” diễn ra ngày 25/10 tại Cần Thơ, ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 150.000 người mới mắc ung thư và 75.000 người tử vong vì căn bệnh này.
Nhìn vào con số thống kê trên không ít người cho rằng, cái gì cũng độc không ung thư mới lạ, 5 bộ chung tay lo mâm cơm của các gia đình vẫn không thể khiến người dân an tâm, bởi kiểm đến món nào cũng độc.
Gạo
Theo Tiền Phong phản ánh, để tạo mùi và làm trắng gạo, lái thương mua hóa chất tạo mùi thơm cho từng loại gạo, cũng như màu cần thiết nếu muốn biến gạo trắng thành gạo màu và bột tẩy trắng nếu muốn gạo trắng và đẹp mắt. Các loại gạo màu như Bắc Thái, gạo Thái Đỏ… bán trên thị trường Việt Nam, thực ra chỉ là loại gạo dài 5% tấm. Sau khi xay xát sẽ cho vào máy đánh bóng rồi tách màu, trộn màu bằng máy. Các chất tạo màu đều có xuất sứ từ Trung Quốc, không ghi nhãn mác.
Những bao gạo có mùi hôi, mốc đen được đại lý trả về sẽ được công nhân các nhà máy chế biến gạo trộn cùng với thứ nước có màu xanh nhạt vào gạo đang đánh bóng hết. Chỉ sau 10 phút, gạo sẽ trắng sáng và thơm mùi gạo mới. Sau khi xử lí xong, những bao gạo này tiếp tục được đưa ra thị trường tiêu thụ.
Theo ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Cty Hóa chất Minh Thanh (chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh), những loại hóa chất làm trắng, tẩy rửa nói trên là loại bột bezoyl peroxide và calcium peroxide chuyên để tẩy trắng gạo và mì mà Trung Quốc đã cấm lưu hành trong chế biến thực phẩm vì dùng quá liều sẽ gây ra hiện tượng rối loạn tiêu hóa, gây tử vong. Loại chất chống mốc là chất deltamethrin chuyên sử dụng diệt côn trùng và khử trùng.
Theo ông Thanh, chất tạo mùi là loại hóa chất chuyên dùng cho công nghiệp thực phẩm, còn bột tạo màu gạo thì chưa rõ, hầu như những loại màu đó có xuất xứ từ Trung Quốc.
Trong khi Mỹ, Nhật Bản, Canada, Liên minh châu Âu đã cấm dùng chất benzoyl peroxyde và calcium peroxide trong tẩy trắng bột mì, gạo thì các phụ gia thực phẩm này vẫn được dùng ở Việt Nam.
Theo khuyến cáo, bezoyl peroxyde chỉ được dùng không quá 0,075gram trong 1 kg bột. Các chuyên gia cảnh báo, nếu lạm dụng chất này, dùng lâu dài sẽ gây ra suy gan và thận, có thể bị ung thư.
Thịt thối thành thịt tươi nhờ bột săm pết
Thời gian qua, dư luận xôn xao vì một hóa chất độc hại có tên là săm pết được sử dụng để tẩy rửa thực phẩm ôi thiu thành tươi mới, đánh lừa người tiêu dùng.
Bằng những thí nghiệm phóng viên tự làm để kiểm chứng, loại bột được sử dụng phổ biến được các thương lái bán thịt truyền tai nhau dùng ngâm thịt thối có tên gọi là săm pết, loại hóa chất cực kỳ độc hại nằm trong danh mục cấm của Bộ Y tế trên phố Hàng Buồm (Hà Nội) với giá thành rẻ 60.000 đồng/kg
Để miếng thịt trong túi nilon hơn 3 ngày cho bốc mùi và bắt đầu phân hủy, mỡ chuyển sang màu vàng, sau đó dùng bột săm pết pha nước và ngâm thịt trong dung dịch này trong vài phút, miếng thịt lập tức chuyển từ màu vàng, mùi thối sang màu đỏ tươi, không mùi. Nếu chỉ nhìn bằng mắt thường miếng thịt lợn không khác thịt vừa mổ.
Gần đây, chất dùng xử lý bề mặt rau củ quả, đặc biệt là thịt nhằm chống vi khuẩn xâm nhập, tẩy trắng, kéo dài thời gian bảo quản đã được vạch trần, đó là chất SO2 (sunfur dioxide). Các chuyên gia công nghệ thực phẩm khẳng định khi thịt đã ôi, thiu, nếu “làm mới” bằng SO2 thì độ nguy hiểm tăng lên gấp nhiều lần!
Tờ SGTT dẫn lời GS.TSKH Nguyễn Trọng Cẩn, Khoa công nghệ thực phẩm, Đại học Kỹ thuật công nghệ TP.HCM cho biết: “SO2 không được sử dụng trong bảo quản các loại thịt. Nếu nhúng thịt thiu, thối vào dung dịch này một thời gian ngắn lấy ra để ráo nước, lúc đó thịt sẽ mất mùi hôi thối và có màu hồng đẹp như thịt tươi, đây là thủ thuật đánh lừa thị giác khách hàng chứ thịt đã thối, hư hỏng thì không thể khôi phục tươi lại được. Và như vậy SO2 sẽ đọng lại trên thịt, nếu người ăn phải thì rất nguy hiểm”.
“Thịt, nội tạng đã bị giảm chất lượng do vi sinh vật phân huỷ protein, có thể tạo một số độc chất; hàm lượng SO2 hoặc các muối phải được sử dụng rất lớn để khử mùi, do đó dư lượng này rất cao; nguồn hoá chất không rõ ràng, không đảm bảo độ tinh khiết, có thể là hoá chất công nghiệp nhiễm các thành phần độc hại khác”, TS. Lê Quang Trí, Trưởng phòng thí nghiệm công nghệ sinh học (Khoa Công nghệ thực phẩm, Dại học Công nghệ Sài Gòn) phân tích.
Gà
Gà cũng là món ăn được nhiều người chọn lựa trong bữa cơm gia đình, nhưng theo điều tra có tới 90% gà tại các chợ Hà Nội là gà thải loại Trung Quốc (NLĐ, 22/9/2012 đưa tin) có giá rất rẻ. Tại những trại gà ở Trung Quốc, gà đẻ đã khai thác hết trứng, gà bệnh, gà có dị tật bẩm sinh… đều được xếp vào loại gà thải loại. Loại gà này, sau khi khai thác hết trứng, thường bị thải ra để cho lớp gà tơ thế chỗ. Thông thường, thịt của loại gà thải loại, được các trại nhập cho các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Loại thịt này được băm nhỏ, trộn với nhiều hợp chất khác, sau đó được xuất sang các nước châu Âu làm thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là dùng làm thức ăn cho chó. Không chỉ có ở Trung Quốc, nước xuất khẩu gà lớn trong khu vực châu Á là Hàn Quốc cũng xử lý gà thải loại theo hình thức tương tự.
Mặc dù, có giá thành rất rẻ, nhưng người tiêu dùng nội địa của Trung Quốc hay Hàn Quốc không ăn loại thịt gà này vì rất nhiều lý do. Thứ nhất, loại gà thải loại thường trải qua nhiều lần đẻ trứng, nên thịt gà rất dai, không hợp khẩu vị của người tiêu dùng. Thứ hai, gà đẻ chỉ dùng để khai thác trứng, nên họ không chú ý đến chất lượng thịt, có thể trong quá trình nuôi, họ tiêm thuốc kích thích tạo trứng vào gà. Vì thế, mới có cái giá nhập khẩu rẻ gần như cho không vào nước ta như vậy. Khi ăn phải loại gà này, các chất tồn dư như kháng sinh có thể làm giảm sức đề kháng của người tiêu dùng, dị ứng nếu người ăn dị ứng với kháng sinh, gây ra kháng thuốc, kháng kháng sinh ở người.
Cho dù việc trộn hormon tăng trọng đã bị cấm nhưng có thể người chăn nuôi vẫn lén lút sử dụng, vì thế, trong vật nuôi lâu năm có thể có dư lượng từ các chất tăng trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hormon của con người… Ngoài ra còn nhiều chất gây ung thư, tim mạch… có tác hại rất lớn đến sức khỏe con người
Rau củ
Với các loại rau củ, người ta còn dùng thuốc trừ sâu dùng để bón cho rau muống mập cọng, sáng cọng, không bị sâu, lỗ lá, có tên HVP 801S, COC 85, Mexyl Mz, LK Set-up 70WC. Sau khi phun thuốc, rau muống ngay từ khi mới mọc mầm cần phải tưới ngay dầu nhớt pha với nước rửa chén nhằm ngăn chặn sâu rầy, dầu nhớt là loại dầu thải từ các cửa hàng sửa xe máy cho rẻ, còn nước rửa chén họ thường mua loại tự pha chế bán bằng lít, bằng can là cách để tiết kiệm chi phí nhất.
Rau muống phun hóa chất mới có được những cậng ra non bún bán cho người dân |
Tại nhiều vựa rau ở các huyện như: Gia Lâm, Thanh Trì, Từ Liêm (Hà Nội), rau cải ngọt, cải đắng, xà lách… xanh mơn mởn, thẳng tắp và đều răm rắp ngay cả trong thời tiết trái mùa. Xung quanh những luống rau mới thu hoạch có nhiều vỏ thuốc trừ sâu vứt vương vãi khắp nơi thuộc các nhãn hiệu như: Sha chong Shuang; Marshal; Emaben… tất cả các nhãn mác đều cảnh báo với dòng chữ: cực độc, độ độc cao, độ độc mạnh.
Đậu cove, dưa chuột là một trong những loại rau của được liệt vào danh sách tồn dư hóa chất độc hại rất lớn.
Mặc dù biết đến sự độc hại của các hóa chất đối với sức khỏe con người, nhưng vì lợi nhuận trước mắt, đa số người trồng dưa, đậu cove cũng như các loại rau củ quả khác vẫn phun rất nhiều loại hóa chất chống sâu bệnh, kích thích tăng trưởng và chất bảo quản để thực phẩm bán ra trông bắt mắt hơn.
Theo một số nông dân ở Hoài Đức, Hà Nội thì với dưa chuột, đậu cove, cứ vài hôm người trồng lại phải phun thuốc trừ sâu một lần, nếu không phun thì sâu sẽ tàn phá hết. Thậm chí có khi hôm trước phun, hôm sau đã thu hoạch để mang ra chợ bán, vì vậy dư lượng thuốc trừ sâu sẽ không kịp phân giải mà có thể ngấm vào bên trong qua lớp vỏ rất mỏng của quả.
Tam Đảo – Vĩnh Phúc (Hà Nội) là vùng trồng su su lớn nhất miền Bắc. Rau su su nơi đây nổi tiếng ngon, giòn, xanh mướt. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do lợi nhuận lớn trước mắt, không ít hộ trồng rau su su trên địa bàn huyện Tam Đảo – Vĩnh Phúc đã chẳng ngần ngại gì khi phun, tưới chất kích thích hàng ngày mà theo họ có thể giúp đặc sản rau su su có ngọn non, mập, bóng đẹp với tốc độ phát triển chóng mặt, dài đến cả chục cm mỗi đêm.
Để kích thích sinh trưởng vươn ngọn, bật chồi nhanh giúp cho rau tăng năng suất, nhiều hộ dân thường mua các loại thuốc kích thích có hoạt chất trong nhóm lân hữu cơ như: profenofos, chlorpyrifos methyt, chlorpyrifos ethyl.... Những hoạt chất này thường được khuyến cáo hạn chế sử dụng trên rau, bởi thời gian cách ly 10-15 ngày mới được thu hoạch. Tuy nhiên, một người bán thuốc ở địa phương cho hay, loại thuốc người trồng dùng phun là thuốc không độc hại, phun hôm trước, hôm sau có thể cắt rau bán bình thường
Để những cọng giá ăn (làm từ đậu xanh) không rễ, mập mạp, trắng đẹp bắt mắt..., người làm giá không ngần ngại sử dụng hóa chất từ khâu đầu đến khâu cuối.
Những cọng giá tròn lẳn, thân trắng nõn, ít rễ là giá được ngâm ủ qua một công nghệ "kinh dị": Khi hạt đỗ nảy mầm, người ta dùng phân bón lá trộn với các loại thuốc trừ sâu, đem pha loãng tưới lên mầm giá rồi ủ kín, thuốc có tác dụng thúc giá đỗ nảy mầm nhanh và phát triển hơn bình thường.
Theo TS Nguyễn Thị Nhung, Trưởng Bộ môn thuốc, cỏ dại, môi trường Viện Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), nếu người trồng rau sử dụng thuốc kích thích quá độc, liều lượng cao, gần ngày thu hoạch, không đảm bảo thời gian cách ly thì dư lượng thuốc còn lại trong rau sẽ vượt quá mức cho phép, gây ngộ độc cho người tiêu dùng, kể cả với các loại thuốc kích thích sinh học.
Bà Nhung nói: "Tùy theo mức độ tồn dư thuốc trong rau mà người dùng có thể bị ngộ độc cấp tính với các biểu hiện như buồn nôn, nhức đầu, chóng mặt, tiêu chảy... hoặc sẽ bị ngộ độc mãn tính, lâu dần tích tụ lại các cơ quan nội tạng, đủ lượng sẽ gây ra các loại ung thư nếu dư lượng ở mức thấp".
Đó là chưa kể tới những loại thuốc nằm trong danh mục cấm, có nguồn gốc từ Trung Quốc... vẫn được người dân mua về sử dụng để phun lên rau vì giá rẻ, lại có tác dụng song song trong việc kích thích rau phát triển cũng như trừ được sâu bệnh. Những loại thuốc này vô cùng nguy hiểm, gây độc mạnh hơn và nhanh hơn vì nó thường chứa hoạt chất methamdophos như thuốc monitor 50EC nhưng lại có tác dụng mạnh nên được người dân ưa chuộng.
Đến khi chế biến, những củ bị dập thối sẽ được ngâm bằng một loại hóa chất từ Trung Quốc, chỉ sau 15 phút củ sẽ trở nên sạch sẽ, đẹp màu, tươi nguyên. Thậm chí, chúng còn có màu sắc bắt mắt hơn những củ- quả tự nhiên, khiến người tiêu dùng bị lầm tưởng là đồ ngon, sạch và lựa chọn mua ngay về cho gia đình dùng.
Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT công bố ngày 8/7 vừa qua trong số 25 mẫu rau ngót lấy kiểm tra tại các chợ đầu mối lớn tại Hà Nội và TP.HCM thì phát hiện 7 mẫu có nhiễm thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép. Ngoài rau ngót, trong lần kiểm tra lần này cũng phát hiện mướp đắng được bày bán tại hai thành phố lớn có nhiễm thuốc trừ sâu vượt ngưỡng cho phép, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Hoa quả
Gần đây, người tiêu dùng Việt Nam lại dấy lên nỗi lo sợ về thực phẩm Trung Quốc không đảm bảo vệ sinh an toàn khi nhiều loại hoa quả được nhập khẩu từ nước này bị phát hiện có tẩm chất bảo quản, chất chống mối mọt, chất gây ung thư... Nhiều bà nội trợ đã tẩy chay hoa quả Trung Quốc.
Cuối năm 2012, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) đã lấy 104 mẫu trái cây, rau củ nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước khác đang lưu hành trên thị trường Việt Nam để phân tích chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Qua kiểm tra, đã phát hiện 3 mẫu trái cây, rau củ đều của Trung Quốc có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao hơn tiêu chuẩn Việt Nam. Trong đó, 2 mẫu nho Trung Quốc nhập qua cửa khẩu Lào Cai có dư lượng chất difenoconazole vượt ngưỡng 3-5 lần.
Hàng loạt hoa quả Trung Quốc sử dụng chất bảo quản |
Loại táo Fuji có xuất xứ từ Yên Đài, Trung Quốc cách đây không lâu rất được ưa chuộng ở Việt Nam. Loại táo này có màu sắc đẹp, vỏ bóng, ăn giòn, sản lượng cả triệu tấn mỗi năm.
Tuy nhiên, thông tin táo Fuji được trồng bằng công nghệ bọc túi tẩm thuốc sâu độc hại khiến nhiều người tiêu dùng Việt Nam nhanh chóng quay lưng với loại táo này. Được biết, chất bột trong các bọc nhựa chính là thiram (một loại thuốc diệt nấm độc hại) và melarsoprol (hợp chất hữu cơ độc hại chứa arsen). Nhiều nông dân Trung Quốc trồng táo đã bọc táo từ lúc còn non đến lúc chín bằng loại túi tẩm thuốc trừ sâu này.
Chiều 16/5/2012, tại cuộc họp bàn và triển khai các biện pháp kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm nông sản, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết, từ đầu năm 2012 đến cuối tháng 4 đã phân tích 315 mẫu hàng hóa nông sản có nguồn gốc thực vật nhập khẩu và phát hiện 71 mẫu có dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật nhưng đều thấp hơn mức dư lượng tối đa cho phép. Đáng lưu ý, trong số đó có 1 mẫu lê nhập khẩu từ Trung Quốc chứa dư lượng endosulfan, là chất gây vô sinh.
Trong ngày làm việc thứ tư của các đại biểu Quốc hội diễn ra hôm 25/10, Đại biểu Đào Văn Bình tỏ rất lo lắng cho tình trạng vệ sinh thực phẩm hiện nay. “Tôi nghe dân nói món nem nhập vào Việt Nam có mấy trăm loại vi khuẩn. Có tin đồn băm đỉa cho vào rồi nhập vào Việt Nam, những thông tin như vậy làm người dân bối rối”. Theo đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Thanh, vấn đề vệ sinh thực phẩm nói riêng, các vấn đề xã hội nói chung hiện là “rất quan trọng”, nhưng dường như “các đánh giá của Chính phủ là chưa thật sát với tình hình”. Theo đại biểu Thanh, các giải pháp phải cụ thể, không thể chung chung như trong báo cáo của Chính phủ được.
Trong lúc các đại biểu Quốc hội bàn bạc tìm ra giải pháp ngăn chặn vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm thì ngoài thị trường, từ người nông dân, thương lái, tiểu thương... đều đang tắm cơm gạo, thịt cá, rau củ,..ngập ngụa bằng hóa chất. Điều này lí giải vì sao con số thống kê người Việt Nam mắc và chết vì bệnh ung thư lại cao đến vậy!