Chuyện Nông dân

HỌC NÔNG NGHIỆP CÓ CẦN DU HỌC ?

HỌC NÔNG NGHIỆP CÓ CẦN DU HỌC ?

Du học luôn là lựa chọn của những bạn trẻ mong muốn được trau dồi kiến thức nhằm có một sự nghiệp thành công và vững vàng hơn sau khi tốt nghiệp. Những ngành thường được du học sinh lựa chọn là kinh tế, tài chính, thiết kế, kỹ thuật, y tế… Không nhiều du học sinh chọn các ngành liên quan đến nông nghiệp trong khi nước ta là một nước mà nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế.

Chính vì thế, cơ hội phát triển nghề nghiệp, thậm chí là doanh nghiệp riêng của chính mình khi tốt nghiệp những ngành liên quan đến nông nghiệp là rất lớn. Vậy thì du học ngành nông nghiệp – tại sao không?

Ngành học thú vị và nhiều cơ hội

Nếu bạn từng nghĩ rằng "nghề nông thì có gì khó?", ngay cả những bác nông dân chân chất còn làm được thì cần gì phải đến trình độ du học, thì đó là một sai lầm.

Khi khoa học kỹ thuật phát triển, việc làm nông đã ngày càng mở rộng, được hiện đại hóa. Nông nghiệp cũng là một ngành học nhiều thử thách và thú vị, đòi hỏi sinh viên phải am hiểu cả về khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội và học chuyên sâu về những chuyên ngành sau: sinh học, khoa học môi trường, hóa học, kinh tế hay quản trị kinh doanh.

Ngay cả ở những nước phát triển, nông nghiệp cũng là một trong những ngành học lớn và có yêu cầu đầu vào khá cao. Mỹ, Anh, Hà Lan, Australia, Nhật,… nằm trong số những cường quốc trong giáo dục nông nghiệp và những nước này cũng có nền nông nghiệp rất phát triển.

Tùy vào mỗi trường và mỗi quốc gia mà chương trình học sẽ tập trung vào những điểm khác nhau. Ví dụ như ở Trường Đại học HAS University of Applied Sciences tại Hà Lan, sinh viên sẽ được chuẩn bị những kỹ năng để làm việc trong môi trường quốc tế, tập trung vào các ngành học như kinh tế, phát triển bền vững và hệ thống thực phẩm… Bên cạnh đó, nhiều trường lại tập trung vào những phương pháp nông nghiệp đang được áp dụng tại nước đó.

Khi theo học ngành nông nghiệp, sinh viên được yêu cầu phải tham gia các chuyến thực tập, làm việc tại các trang trại. Nhiều trường đại học thậm chí còn có các trang trại riêng của mình như Đại học Aberystwyth tại Anh.

Một trong những lý do nữa giúp sinh viên chọn ngành nông nghiệp chính là việc hiện nay có rất nhiều chương trình học bổng về nông nghiệp dành cho sinh viên các nước châu Á nói chung, Đông Nam Á nói riêng. Nếu chịu khó tìm kiếm thông tin, bạn sẽ thấy có rất nhiều học bổng từ chính phủ các nước Mỹ, Australia, New Zealand, Nhật, Hà Lan… dành cho sinh viên theo học ngành nông nghiệp.

Dĩ nhiên, để nhận được học bổng loại này, bạn phải thể hiện được sự hiểu biết và tầm nhìn phát triển cho ngành nông nghiệp Việt Nam – một trong những thử thách lớn dành cho những ai sinh ra và lớn lên ở thành thị.


Một trong những thử thách nữa với sinh viên chọn ngành nông nghiệp là bạn khó có thể trông đợi một nghề nghiệp ngồi làm việc 8 tiếng trong cao ốc. Một đặc thù của ngành nông nghiệp là bạn sẽ có khả năng phải sống tại những khu vực ít sầm uất, xa trung tâm thành phố hơn.

Nhưng bù lại, đây sẽ là cuộc sống cho những người yêu thiên nhiên, thích tự do và chán sự ồn ào náo nhiệt của chốn thành thị. Đây tưởng là điểm yếu, nhưng thật ra cũng chính là điểm mạnh của ngành nghề thú vị này.

Các nghề nghiệp tiềm năng cho các sinh viên nông nghiệp là:

- Quản lý nông trại nghiên cứu và phát triển (R&D)

- Tiếp thị và bán hàng

- Làm việc trong các tập đoàn kinh doanh thực phẩm

- Quản lý chất lượng

- Những công việc liên quan đến quản lý tài nguyên, bất động sản

Các chuyên ngành nông nghiệp

Khi bắt đầu, bạn sẽ được theo học một chương trình tổng hợp giúp trang bị những kiến thức tổng quát. Tuy nhiên, khi học lên cao, bạn cần phải chọn theo học một trong những chuyên ngành nhất định. Sau đây là một số ví dụ về những chuyên ngành thường gặp trong nông nghiệp:

Khoa học về vật nuôi

Khi chọn ngành học này, bạn phải nghiên cứu vật nuôi cả về thể chất lẫn sinh học. Những kiến thức học được sẽ dùng để áp dụng cho việc nuôi dưỡng, phát triển vật nuôi. Các môn học bắt buộc với ngành này là miễn dịch học, di truyền học, hóa sinh và sinh lý học để áp dụng cho các lĩnh vực dinh dưỡng vật nuôi, sinh sản, hành vi và năng suất.


Trồng trọt

Với hướng đi này, bạn sẽ được tập trung vào những ngành khoa học và các công nghệ phục vụ cho việc trồng trọt, làm vườn, bao gồm cả cây lương thực cho đến các loại cây công nghiệp, cây cảnh và cây làm thuốc. Bạn sẽ được học về bảo tồn thực vật, nghiên cứu nâng cao năng suất cây trồng, các kỹ năng về quản lý nguồn tài nguyên đất và bất động sản.

Khoa học về đất

Đất theo lẽ tự nhiên là yếu tố quan trọng nhất trong nông nghiệp. Nếu nghĩ rằng đất là thứ “có sao xài vậy” thì bạn đã hoàn toàn sai lầm. Cải thiện, khắc phục đất sẽ giúp cây trồng có năng suất cao hơn.

Để có thể trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực này, bạn phải học cách phân tích các đặc tính sinh học, hóa học và các tính chất vật lý của đất. Khoa học về đất ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất cây trồng cũng như sức khỏe của con người, ngoài ra còn giúp bảo vệ và bảo tồn môi trường.

 NHẬT HÀ/DNSGCT

Đang xem: HỌC NÔNG NGHIỆP CÓ CẦN DU HỌC ?

0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng